Friday, March 31, 2017

Khói than nhuộm đen phận người Tuy Phong Bình Thuận

http://tiepthithegioi.vn/loi-song/van-de-quan-tam/khoi-than-nhuom-den-phan-nguoi/


Khói than nhuốm đen phận người

Hai năm sau khi nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 ra đời, có lẽ chưa ai đánh giá được lợi ích và thiệt hại từ nhà máy này mang lại. Nhưng nếu nói môi trường và mạng sống con người là vô giá, thì chúng ta đang đánh mất cái vô giá đó.

Thanh Tâm 550
Ống khói nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang xả khí thải độc hại ra môi trường.



















Một ngày giữa tháng 3/2017, từ ngôi nhà cộng đồng trên bãi biển xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, ông Mười, người đứng đầu tổ cộng đồng làng chài, dõi mắt ra hòn Cau trước mặt và nói: “Trước đây nó có tên là đảo Lao Câu vì cá ngoài đó hằng hà sa số, ngư dân cứ theo ghe ra đó câu cá là sống khoẻ. Ngày nay cá chẳng còn bao nhiêu vì môi trường sống ngày một ô nhiễm”.
Hơn 50 năm theo nghề biển, người ngư dân già có những cột mốc để so sánh, chỉ tiếc rằng sự so sánh này quá buồn.
Chẳng cần tìm nguyên nhân ô nhiễm đâu cho xa, từ chỗ ông Mười ngồi nếu hướng tầm nhìn sang trái người ta nhận ra ngay một ống khói dài đang xả khói đen mịt mù ra môi trường chung quanh. Đó là ống khói của nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2, nhà máy ra đời cách đây hai năm với hứa hẹn góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Mới tháng 3, nhưng Bình Thuận đã gay gắt nắng. Vài luồng gió mát từ biển vào không đủ xua đi cái nóng phầm phập vào người. Trên con thuyền đáy kính đưa khách đi ra hòn Cau, cách bờ biển này hơn trăm mét người ta có thể nhìn thấy vô vàn rạn san hô chết bạc màu hoặc bị tẩy trắng buồn thảm, không khác gì những nghĩa địa san hô.
Ngồi cạnh tôi, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – đại học Cần Thơ, chép miệng buồn bã: “San hô rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường tự nhiên, chẳng hạn chỉ cần nhiệt độ nước tăng 1 – 2 độ là nó chết ngay và không thể phục hồi. San hô là nơi cư trú của cá và sinh vật đáy đại dương, san hô không còn nghĩa là sinh vật biển không còn”.
Thực tế có thể chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận mối liên hệ giữa chiếc ống khói của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với cái chết của vùng biển gần đó, nhưng kết quả đo quan trắc môi trường của một nhóm sinh viên một trường đại học TPHCM từ tháng 9 – 11/2016 ngay tại khu vực Vĩnh Tân, khiến người ta phải lo ngại. Có những ngày, nồng độ bụi PM 2,5 đạt mức 67,8µg/m3, vượt nhiều so với quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT là 50µg/m3.
Cần nói thêm, PM (particulate matter) là chỉ số đánh giá mức độ ô nhiễm không khí. Chỉ số PM 2,5 nghĩa là hạt có kích thước nhỏ hơn 2,5µm (micromét). Một sợi tóc người có đường kính 50 – 70µm, vậy hạt 2,5µm có đường kính bằng 1/20 – 1/28 sợi tóc, với kích thước siêu mịn nó có thể thâm nhập sâu vào tận phổi.
Những năm qua, cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp hạt PM 10 (bằng và nhỏ hơn 10µm) và PM 2,5 là những hạt ô nhiễm không khí cực kỳ nguy hiểm, vì khả năng xâm nhập xuyên phổi đi vào máu gây ra những đột biến thường xuyên về DNA.
Đột biến DNA dễ dẫn đến ung thư, nên IARC và WHO đã xếp hạt PM 10 và PM 2,5 là nhóm sinh ung thư. Năm 2013, một nghiên cứu trên gần 320.000 người dân ở chín quốc gia châu Âu, cho thấy không có mức độ an toàn nào về các hạt ô nhiễm, và mật độ bụi PM 10 cứ tăng lên 10µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng lên 22%. PM 2,5 còn nguy hiểm hơn nhiều, cứ tăng thêm 10µg/m3 thì nguy cơ ung thư phổi tăng đến 36%.
Nhưng không chỉ ung thư, bụi siêu mịn còn dẫn đến nhiều bất thường khác. Cuối tuần qua, gặp bác sĩ CK2 Lâm Hiếu Minh, người rất rành về bệnh tự kỷ, ông nói: “Tôi có khá nhiều bệnh nhân tự kỷ đến từ Tuy Phong. Họ cho biết có ngày đang ăn cơm đột nhiên bụi đen từ đâu đến rớt xuống đầy nhà khiến họ phải bỏ chạy”.
Hai năm sau khi nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 ra đời, có lẽ chưa ai đánh giá được lợi ích và thiệt hại từ nhà máy này mang lại. Nhưng nếu nói môi trường và mạng sống con người là vô giá, thì cái giá phải trả cho công trình này đang hiển hiện trước mắt.
Thật lạ, đứng từ hòn Cau nhìn về đất liền, nếu nhìn về bên trái người ta sẽ thấy được hàng chục tuabin gió của nhà máy điện gió Tuy Phong, một dự án sinh điện bền vững với môi trường đang tiến triển ì ạch; thì nếu nhìn về bên phải người ta lại thấy chiếc ống khói sừng sững của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang phát huy sức huỷ diệt môi trường vốn có.
Nhưng đó chỉ mới là một ống khói của nhà máy Vĩnh Tân 2, khi toàn bộ cụm nhà máy này ra đời vào những năm tới với đủ năm ống khói thì mức tàn phá còn lớn đến mức nào?
bài, ảnh Bình YênTheo TGTT

No comments:

Post a Comment