Saturday, August 16, 2014

Nhớ tới lời hứa của ông Lê Duẩn về cái tủ lạnh

https://anhbasam.wordpress.com/2014/08/16/2870-nho-toi-loi-hua-ve-cai-tu-lanh-cua-ong-le-duan/
Nhớ tới lời hứa của ông Lê Duẩn về cái tủ lạnh

GS Nguyễn Văn Tuấn
16-08-2014
H1
Cái tủ lạnh này vẫn còn nằm trong mơ
Hôm nay, bên nhà ở dưới quê, thằng cháu mới ra riêng và nó khoe mới mua được một cái tủ lạnh. Mừng cho nó. Nhưng mừng đó thì cũng buồn đó, vì nó làm tôi nhớ đến một lời hứa nổi tiếng của ông Lê Duẩn. Sau 1975, tôi không nhớ chính xác năm nào nhưng có thể 1976-1977, ông Duẩn tuyên bố rằng 10 năm nữa mỗi nhà ở VN sẽ có một cái tủ lạnh. Đến nay, đã gần 40 năm sau lời hứa đó, cái tủ lạnh vẫn còn là một niềm mơ ước của nhiều người dân
Những năm sau thống nhất (tôi không thể dùng chữ “giải phóng”) ông Lê Duẩn nổi như cồn. Đi đâu cũng gặp hình của ông ấy lúc thì trên tivi, lúc thì qua báo chí, lúc thì qua đài phát thanh. Sau này tôi mới biết ông là một người nắm quyền uy gần như tuyệt đối thời đó. Mỗi lời nói của ông là một mệnh lệnh, một chỉ thị, chắc cũng chẳng khác với quyền uy của ông gì đó bên Bắc Hàn hiện nay. Mãi đến bây giờ, nhắc đến tên ông là tôi rùng mình nhớ ngay đến thời bao cấp, hợp tác xã, và đặc biệt là thời ăn bo bo và thuốc xuyên tâm liên. Như một cơn ác mộng. Nói chung là một thời kinh hoàng.
Trong cái thời kinh hoàng đó chợt loé lên một tia hi vọng. Tôi nhớ hoài cái tia hi vọng đó trong một buổi tối ngồi xem tivi trắng đen. Trong một bài diễn văn dài lắm, nhưng có câu tôi nhớ mãi (có lẽ đến cuối đời): 10 năm nữa mỗi nhà ở VN sẽ có một cái tủ lạnh.
Cái tủ lạnh. Tôi đã thấy nó lúc còn đi học ở thành, tôi biết nó diệu kì ra sao. Trái cây để trong tủ lạnh mấy ngày mà vẫn còn tươi rói. Đi trong cái nắng cháy da về nhà uống nước tủ lạnh, ôi nó như là cốc nước thần tiên làm cho người sảng khoái ngay. Cái tủ lạnh nó còn làm ra nước đá để bào làm xi-rô. Thử tưởng tượng ở dưới quê xa “kinh kì sáng chói” mà có một cái tủ lạnh như thế thì ai mà không mơ tưởng. Ôi, đó là một ước mơ của cả nhà tôi bao nhiêu năm nay. Chờ 10 năm nữa cũng chẳng sao.
Cái tủ lạnh thời đó là một chứng từ của status, của địa vị. Nó cũng như cái cây viết Parker là một chứng từ của “người có học”, cái tủ lạnh là một dấu hiệu gia đình giàu có và thành thị. Mà, đúng như thế, vì thời đó chỉ có người khá giả ở thành phố có điện mới có tủ lạnh. Ui chao, cái tủ trắng tinh, nước sơn trơn tru, nó “trú ngụ” ngay trong phòng khách “sánh vai” cùng các vật sang trọng khác như cái tủ li, cái tủ thờ, cái divan. Thật ra, cái tủ lạnh còn hơn mấy vật vừa kể vì nó sang trọng hơn, hiện đại hơn, và sự có mặt của nó trong phòng khách làm cho căn nhà của gia chủ sáng hẳn lên.
Thành ra, tôi đón nhận lời hứa “10 năm sẽ có tủ lạnh” của ông Lê Duẩn như ruộng khô mong chờ cơn mưa hạ. Dĩ nhiên là chỉ là ước mơ âm thầm thôi, chứ nói ra thì cả nhà mắng cho là “đồ ngu tiền đâu mà mua thứ đó”. Đêm về nằm ngủ tôi vẫn mơ cái tủ lạnh trong nhà …
Mãi đến năm 1992 làng tôi mới có điện về. Mà, lúc đó làng tôi cũng chỉ có vài gia đình có điện thôi. Phải 2 năm sau có điện, ba má tôi mới đám mua cái tủ lạnh dưới “sức ép” của đứa em gái. Nó nói, nhà mình đã có đầu máy, tivi, máy hát, bây giờ phải đến cái tủ lạnh chứ. Ba má tôi nghe bùi tai, nên nhắm mắt … chi tiền. Nghe nói ngày đầu tiên cái tủ lạnh về đến nhà, con nhỏ em không cho bóc bao plastic chung quanh, vì nó sợ mấy đứa nhỏ làm trầy! Cái tủ lạnh trở thành tâm điểm của phòng khách. Bà con chòm xóm lại xem nó ra kì diệu ra sao. Ai cũng trầm trồ khen nó đẹp quá.
Vậy mà cho đến nay, dù điện đã về gần 100% làng, nhưng số gia đình có tủ lạnh tôi đoán là chưa đầy 1/5. Tôi có con số đó vì chỉ đếm những nhà bà con chòm xóm ven sông mà tôi quen biết. Nhà nào cũng có tivi và radio, nhưng tủ lạnh thì vẫn là một thứ gì khá xa xỉ mà không phải ai cũng có khả năng mua một cái.
Lí do chính là người dân không có tiền để mua. Đời sống nông dân ngày nay khổ còn hơn thời trước 1975. Đầu mùa lúa là phải vay ngân hàng hay tư nhân để mua phân bón, thuốc trừ sâu cho mùa vụ. Khi gặt lúa xong thì bị cái tập đoàn VINAFOOD (có khi được xem là một tập đoàn phản dân hại nước) và con buôn ép giá. Người nghèo thì phải bán lúa với giá bèo để có tiền trả nợ. Như tôi từng phản ảnh giá lúa còn thấp hơn cả giá ốc bưu vàng! Trả nợ xong thì chỉ còn vài triệu vừa đủ sống. Mùa vụ kế tiếp, chu trình “vay nợ – làm ruộng – bán giá bèo – trả nợ” lại tiếp diễn. Cuộc sống nhứ thế thì lấy tiền đâu để mua tủ lạnh?
Từ ngày ông Lê Duẩn hứa “10 năm nữa mỗi gia đình sẽ có tủ lạnh” đến nay đã gần 40 năm. Thế giới đã bước vào thể kỉ 21 gần 15 năm. Trong khi nông dân bên Thái Lan chạy xe hơi Toyota đi chợ và nhà nào cũng có tủ lạnh, thì nông dân Việt Nam vẫn còn mơ một chiếc xe Honda và cái tủ lạnh. Giới trí thức Thái Lan thường nhận xét với tôi rằng nông dân VN cần cù và sáng tạo hơn nông dân Thái Lan, và tôi cũng nghĩ vậy. Thế thì tại sao cuộc sống của nông dân VN lạc hậu hơn nông dân Thái 30-40 năm, và tại sao cho đến thế kỉ 21 mà những người cần cù đó vẫn sống trong nhà vách lá, không có xe đi, và tủ lạnh thì vẫn còn là một giấc mơ? Câu trả lời là một luận án khoa học, nhưng thực tế nhất, tôi thấy lãnh đạo từ cấp địa phương đến trung ương phải chịu trách nhiệm trên hết và trước hết về cái nghèo của nông dân và lời hứa cái tủ lạnh.
Nguồn: FB Nguyen Tuan

No comments:

Post a Comment