Monday, October 5, 2009

PHẢN QUỐC và YÊU NƯỚC ...TÀU

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Unfair-justice-vhung-10042009110439.html

Công lý bất công
Thông tín viên Việt Hùng, RFA
2009-10-04
Vậy là đúng một tháng (kể từ ngày 4 tháng 9 vừa qua) sau sự kiện báo điện tử của đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin biểu dương sức mạnh của quân đội Trung Quốc tập trận trong vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì cơ quan chủ quản là Ban Tuyên giáo Trung ương mới có quyết định kỷ luật với hình thức “khiển trách” ông Tổng biên tập Đào Duy Quát.

Tìm câu trả lời, Việt Hùng của Ban Việt Ngữ gửi về bài trường trình:

Hai cách hành xử khác nhau
Liên quan đến việc đưa tin những vấn đề “nhạy cảm” trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, dư luận tại Việt Nam quan tâm nhiều tới hai vụ việc, hai cách hành xử khác nhau.

Vụ thứ nhất, cách chức ông Nguyễn Trung Dân, Phó tổng biên tập báo Du Lịch, thu hồi thẻ nhà báo, đóng cửa báo chỉ vì đã đăng bài cổ võ lòng yêu nước bảo vệ bờ cõi Tổ quốc của cha ông để lại. Trong khi vụ thứ hai, báo điện tử đảng CSVN lại đăng tin biểu dương sức mạnh của Trung Quốc tập trận trong vùng Biển Đông nơi có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam thì ông Tổng biên tập chỉ bị “khiển trách” và nộp phạt 30 triệu đồng.

Nhà báo Trần Quang Thành
Đưa ra lời bàn, nhà báo Trần Quang Thành, nguyên biên tập viên Ban Thời sự Đài Tiếng Nói và Đài Truyền Hình Việt Nam cho rằng:

“Tôi thấy rằng hai vụ này hoàn toàn không bình thường, không bình đẳng. Một người nói lên lòng yêu nước của nhân dân trên báo Du Lịch thì báo bị đóng cửa, lãnh đạo tờ báo bị cách chức, Phó tổng biên tập Nguyễn Trung Dân bị thu hồi thẻ nhà báo…

Ngược lại, tờ báo lớn, báo điện tử, cơ quan phát ngôn của đảng CSVN, trực tiếp do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo lại đưa tin từ một tờ báo chính thống của đảng cộng sản Trung Quốc nói về việc Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, nơi rất “nhạy cảm” liên quan đến chủ quyền của Việt Nam.”

Ông Đào Duy Quát biết rất rõ vì suốt bao nhiêu năm nay trên cương vị Phó ban Tuyên giáo Trung ương cũng như Phó ban Tư tưởng trước đây,. ông còn là người phụ trách về vấn đề Biển-Đảo. Hiện nay ông đang là Trưởng ban Tổ chức cuộc thi về Biển-Đảo tổng kết vào (ngày 3 tháng 10 này). Hơn ai hết ông là người hiểu rất rõ về vấn đề Biển-Đảo của Việt Nam vậy mà sao ông lại cho đưa những tin này? Ông Quát không thể nói là “do lỗi kỹ thuật” đơn thuần. Đáng lẽ, nhẹ nhất cũng phải thu hồi thẻ nhà báo vì việc này có thể nói đã vi phạm đến Điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Điều 88 nói rất rõ về sự vi phạm an ninh quốc gia mà đưa tin đó là vi phạm an ninh quốc gia. Mặc nhiên công nhận Trung Quốc đi vào Biển Đông, tập trận Biển Đông khác gì “bảo người ta đi vào nhà mình, đánh mình”.

Bất bình, phẩn nộ
Cũng vẫn là những lời bàn, ông Vi Đức Hồi, trước khi tham gia vào phong trào dân chủ trong nước, từng là Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc trường đảng huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, khi còn tại chức, cá nhân ông Vi Đức Hồi đã từng nhận nhiều chỉ thị từ ông phó Ban Tư tưởng Đào Duy Quát. Nhận định về việc này ông Vi Đức Hồi phát biểu với Đài Á Châu Tự Do:

“Trường hợp báo điện tử đảng CSVN do ông Đào Duy Quát là Tổng biên tập. Nguyên là Phó ban Tư tưởng rất “cao tay…”; Việc cho đăng tải bài đó vô hình chung thừa nhận vùng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc. Chúng tôi những người từng đứng trong đội ngũ đảng cộng sản, nếu gọi đó là tai nạn nghề nghiệp thì không thể chấp nhận được. Đây là một việc làm động trời!

Tôi rất ngạc nhiên bởi vì cái án gọi là “khiển trách” thì không hề bị cách chức, nói chung chỉ là “phê bình” thôi chứ không có ảnh hưởng gì. Chúng tôi rất bất bình vì thái độ xử lý của đảng CSVN đối với cá nhân ông Đào Duy Quát rất là nhẹ. Nếu mà so sánh thì những tiếng nói của các nhà bất đồng chính kiến chỉ nói khác với đường lối của đảng cộng sản thôi thì họ đã phải ngồi tù, bị bắt bớ, giam cầm, trong khi đó một viên chức cao cấp của đảng CSVN sai phạm một cách rất nghiêm trọng như vậy thì đảng chỉ xử lý với hình thức khiển trách đã gây ra sự bất bình trong dư luận và trong những anh em tham gia trong phong trào dân chủ ở Việt Nam.”

Khi đặt câu hỏi, nếu nói “đây là lỗi kỹ thuật nghiệp vụ dẫn đến tai nạn…” như lời ông Đào Duy Quát trả lời phỏng vấn tờ Tuổi Trẻ, nhà báo Trần Quang Thành, người từng tháp tùng các vị lãnh đạo cấp cao có nhiều kinh nghiệm trong việc viết tin khi còn làm việc trong ban Thời sự Đài Tiếng Nói và Đài Truyền Hình Việt Nam đưa ra lời phản biện.

“Không! Đây không phải là lỗi kỹ thuật. Nếu nói thiếu trách nhiệm là còn nhẹ. Đây là một hành vi xúc phạm đến tinh thần yêu nước của dân tộc ta.”

Ông Vi Đức Hồi: “Việc làm của ông Đào Duy Quát gây ra phải nói rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn rất nhiều so với báo Du Lịch mà đảng CSVN đã xử lý họ. Trong khi với ông Quát thì đảng chỉ “khiển trách”.

Chữ “khiển trách” này, tôi thấy ở các đơn vị của tôi trước đây cũng nhiều cán bộ bị “khiển trách”. Khiển trách ở đây cũng chỉ nặng hơn phê bình một chút, tức là hình thức “phê bình bằng văn bản”. Hình thức khiển trách này có thể hiểu chỉ là nhắc nhở để rút kinh nghiệm lần sau thôi. Trong khi với báo Du Lịch thì đảng mạnh tay xử lý đã tạo nên sự phẫn nộ của dư luận trong nước về sự xử lý không công bằng đối với báo Du Lịch, hay một số phóng viên của tờ Tuổi Trẻ, Tiếp Thị Sài Gòn… trong khi với một viên chức cao cấp của đảng thì chỉ “khiển trách” điều này đã tạo sự bất bình, phẫn nộ trong xã luận.”

Trường hợp báo Du Lịch chưa biết bao giờ được phép hoạt động trở lại. Báo Du Lịch đóng cửa. Cá nhân ông Nguyễn Trung Dân và người chịu trách nhiệm báo Du Lịch không có cơ hội hay nói đúng hơn là không thấy được trả lời phỏng vấn báo trong nước thì ngược lại ông Tổng biên tập báo điện tử đảng CSVN có cơ hội trả lời, hay nói một cách khác là giải độc với báo chí trong nước. Những dấu hiệu này có thể hiểu như thế nào. Nhà báo Trần Quang Thành đưa ra lời nhận định.

“Mấy tờ báo lớn là “con quý tử” là các ông “quý tử” của đảng CSVN thì không đảng bao giờ đụng tới rồi. Như anh thấy Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) hồi đầu tháng 8 vừa rồi đưa tin trong vụ Trung Quốc thả ngư dân Việt Nam về. TTXVN thậm chí còn nói Trung Quốc còn giữ hai ngư dân Việt Nam ở Trung Quốc. Giữ ở đâu ở Trung Quốc? Thực tế là giữ ở Việt Nam tức ở đảo Phú Lâm - Trường Sa của Việt Nam.

Rồi chẳng có ai phát hiện ra, cuối cùng chính anh em trong các Blog ở Việt Nam phát hiện ra. Sau đó ít ngày ông TTXVN cứ im lìm cải chính lại, mà không có một lời xin lỗi với độc giả. Bởi vì đây là các quý tử luôn luôn được nuông chiều. Nếu có sai thì chỉ vỗ vai bảo nhau thôi. Còn những tờ báo khác như Du Lịch, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… thì luôn luôn chịu hậu quả của những vụ gọi là “nghiêm trọng…”.

Trước một thực tế đang diễn ra, câu hỏi đặt ra, bao giờ báo Du Lịch được hoạt động trở lại? Bao giờ ông Nguyễn Trung Dân và một số các đồng nghiệp khác hoặc trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến những bài viết bày tỏ tinh thần yêu nước bảo vệ bờ cõi của dân tộc sẽ được trả lại thẻ nhà báo? Chúng tôi xin được nhắc lại lời ông Trịnh Hồng Dương, nguyên Chánh án Tòa án Nhân Dân Tối Cao trước đây từng tuyên bố tại diễn đàn Quốc Hội “Luật Việt Nam xử thế nào cũng được. Xử thắng cũng được, xử thua cũng được, xử hòa cũng được. tất cả đều do đảng lãnh đạo”.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments:

Post a Comment